Trị vì Đường_Ai_Đế

Vào thời điểm Đường Ai Đế tức vị, một cộng sự thân cận của Chu Toàn Trung là Liễu Xán đương giữ chức tư không. Liễu Xán không có xuất thân quý tộc, lại phẫn nộ với các quý tộc cũ, vì thế ông ta đã chủ trương với Chu Toàn Trung rằng nên sát hại các quý tộc cao cấp để ngăn ngừa họ phản kháng. Chu Toàn Trung chấp thuận, và đến năm 905, theo một chiếu chỉ nhân danh Đường Ai Đế, có khoảng 30 triều sĩ bị biếm chức đã bị tập trung tại Bạch Mã dịch và bị buộc phải tự sát. Cũng trong khoảng thời gian đó, có chín hoàng huynh và hoàng đệ của Đường Ai Đế, bao gồm cả Lý Dụ, đã bị sát hại theo lệnh của Chu Toàn Trung.[1]

Trong khi đó, Liễu Xán cùng Xu mật sứ Tưởng Huyền Huy (蔣玄暉) và Ngự doanh sứ Trương Đình Phạm (張廷範) chuẩn bị lễ để Đường Ai Đế thiện nhượng cho Chu Toàn Trung. Căn cứ theo tiền lệ trong các lần thay đổi triều đại, đầu tiên họ buộc Đường Ai Đế phải tiến phong Chu Toàn Trung là Ngụy vương, ban cho Chu Toàn Trung cửu tích. Tuy nhiên, Chu Toàn Trung muốn đẩy nhanh quá trình soán vị, ông ta tin vào lời vu cáo của Vương Ân và Triệu Ân Hành rằng Liễu, Tưởng và Trương cố ý trì hoãn quá trình chuyển đổi bằng các thủ tục lễ nghi, vì thế đã giết chết ba người này. Hà thái hậu vốn chỉ phối hợp với Tưởng Huyền Huy nhằm để mình và hoàng nhi được tha, song Vương Ân và Triệu Ân Hành cũng vu cáo bà là đồng phạm, Chu Toàn Trung vì thế giết chết Hà thái hậu, buộc Đường Ai Đế phải giáng bà làm thứ nhân, song vẫn cho Đường Ai Đế than khóc bà.[1]

Năm 907, nghe theo ý của Ngụy Bác tiết độ sứ La Thiệu Uy, Chu Toàn Trung cuối cùng đã quyết định soán vị. Ngày Giáp Thìn (27) tháng 3 cùng năm (12 tháng 5), Chu Toàn Trung buộc vị hoàng đế nhỏ tuổi phải giáng ngự trát thiện vị, chấm dứt triều Đường và khởi đầu triều Hậu Lương. Nhiều quân phiệt không công nhận Hậu Lương Thái Tổ Chu Toàn Trung, họ vẫn tiếp tục sử dụng niên hiệu "Thiên Hựu" của Đường Ai Đế.[4]